Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)

Vui lòng cho tôi hỏi. Tôi vừa tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca ngày 08/11/2021, nhưng ngày 06/12/2021 đã có lịch tiêm mũi 2. Như vậy có an toàn không và hiệu quả bảo vệ có tốt không ạ? Tôi cảm ơn.

vannicafe, 31 tuổi, Cao Lãnh, Đồng Tháp
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/chị,

Theo như hướng dẫn của nhà sản xuất thì mũi 2 vaccine Astrazeneca có thể tiêm nếu đủ khoảng cách 4 tuần kể từ ngày thực hiện tiêm mũi 1. Do vậy, nếu Anh/chị đã đủ thời gian theo quy định là 4 tuần giữa 2 mũi thì cứ đi tiêm chủng bình thường.

Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, Anh/Chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

Tôi đã tiêm mũi 2 vaccine AstraZenneca khoảng 80 ngày. Vậy tôi có được tiêm mũi 3 trong tháng 12/2021 không?

Nguyễn Minh Tuấn Huy, 56 tuổi, Hậu Giang
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị,

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người cần tiêm liều vaccine phòng Covid-19 bổ sung là người đã tiêm 2 mũi vaccine Sinopharm, Sputnik V và người suy giảm miễn dịch vừa và nặng tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Bên cạnh đó cũng cần một mũi nhắc lại để tăng cường miễn dịch. Nếu bạn thuộc 1 trong đối tượng nào có thể thực hiện tiêm vaccine mũi 3. Bạn có thể liên hệ đến cơ quan y tế địa phương để biết thêm thông chi tiết.

Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, Anh/Chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

Tôi năm nay 60, đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer, mũi 2 tiêm đã được 3 tháng. Vậy mũi 3 cách bao lâu thì mới tiêm và tiêm Pfizer nữa được không? Nay tôi muốn tiêm vaccine phòng phế cầu có được không? Tôi dự định tiêm vaccine này trước khi tiêm mũi 3. Tôi tiêm có thể tiêm vaccine phế ...

hanhtamks, 59 tuổi, Phú Nhuận
Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị,

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, nếu Anh/Chị đã tiêm 02 liều vaccine Covid-19 của hãng Pfizer sản xuất thì vẫn có thể tiêm liều 3 bằng vaccine Pffizer khi đủ khoảng cách 06 tháng. Bên cạnh đó, Anh/Chị vẫn có thể tiêm vaccine phế cầu trước khi tiêm liều nhắc lại vaccine Covid-19 mà không cần lo lắng về phản ứng sau tiêm cũng như hiệu quả miễn dịch.

Vaccine Prevenar-13 (Bỉ): phòng các bệnh gây ra do phế cầu khuẩn, đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em và người lớn như: viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu). Vaccine Prevenar-13 có tính an toàn cao, cho hiệu quả bảo vệ lâu dài; đã được đưa vào sử dụng trên 100 quốc gia trên thế giới. Với người lớn, chỉ cần một mũi tiêm có thể bảo vệ trọn đời.

Với Hệ thống gần 60 Trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước, đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em và người lớn, Anh/Chị có thể đến VNVC đến được tiêm chủng vaccine phế cầu chất lượng, an toàn cũng như trải nghiệm dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, hiện nay tình hình cung ứng vaccine đang có nhiều biến động, Anh/Chị nên gọi trước cho tổng đài hoặc đặt trước vaccine để chắc chắn có vaccine khi đi tiêm.

Cảm ơn câu hỏi của anh/chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, anh/chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

Khi tiêm vaccine Covid-19 về thì mình có được ăn rau muống hay là trứng không ạ?

LÊ BẢO NGỌC, 15 tuổi, Trà Vinh
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/chị,
Sau khi tiêm vaccine Covid-19 Anh/chị có thể ăn bất cứ loại thức ăn nào nếu không có vấn đề dị ứng với loại thức ăn đó.

Thực tế, việc ăn trứng không ảnh hưởng đến tiêm vaccine. Bởi trong vaccine phòng Covid-19 không có bất kỳ thành phần gì liên quan đến trứng. Vì vậy, trứng không có bất cứ mối liên hệ nào với vaccine phòng Covid-19. Chúng ta có thể ăn thực phẩm này bình thường, không cần kiêng khi có kế hoạch tiêm vaccine.

Sau khi tiêm vaccine Covid-19, bạn có thể bị sốt, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, khớp, đau vị trí tiêm, nóng, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, ớn lạnh,... Để tăng sức đề kháng cho cơ thể và nhanh phục hồi, ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi và nghỉ ngơi hợp lý, cần phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh.

Cảm ơn câu hỏi của Anh/chị!

Tôi xin hỏi bác sĩ, tôi đã tiêm hai mũi vaccine AstraZeneca phòng Covid-19: ngày tiêm mũi 1 (24/8), mũi 2 (25/10). Từ khi tiêm mũi 1 đến mũi 2, đầu tôi bắt đầu nổi mụn và mặt mọc những vết đỏ và bóc vảy, lan to ra đến nay vẫn chưa khỏi. Vậy tôi có phải bị dị ứng vaccine không hay do một ...

Bùi Đức Uyên, 56 tuổi, Nam Định
Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/chị,

Cũng như các loại thuốc khác, vaccine là một chế phẩm sinh học có tiềm năng gây dị ứng mặc dù tỷ lệ này rất thấp, bất kỳ thành phần nào của vaccine cũng có thể đóng vai trò là một dị nguyên.

Tùy từng loại vaccine, thành phần gây dị ứng trong vaccine rất đa dạng. Đó có thể là protein trứng, protein sữa... Một số chất bảo quản trong vaccine như thimerosal, aluminum, và phenoxyethanol cũng có tiềm năng gây dị ứng. Kháng sinh, chất chống nấm sử dụng trong vaccine hoặc là latex, nhưng cũng có thể là chính bản thân vaccine, đều là những thành phần kháng nguyên dễ gây dị ứng. PEG và Polysorbate là hai thành phần có trong vaccine ngừa Covid-19 cũng được liệt kê các dị nguyên tiềm năng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng bị dị ứng vaccine, chỉ có những người có cơ địa dị ứng mới có nguy cơ dị ứng vaccine. Những người có cơ địa dị ứng là những người bản thân hoặc có thành viên trong gia đình mắc các bệnh dị ứng như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, dị ứng vaccine, hen phế quản, viêm mũi dị ứng v.v...

Với những người có cơ địa dị ứng cần có các cách tiếp cận thích hợp với từng đối tượng (cá thể hóa) bằng các phương pháp như thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm, các thủ thuật hoặc các test kích thích với chính bản thân vaccine và/hoặc thành phần vaccine. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là thăm khám lâm sàng để nhận biết những người có nguy cơ dị ứng vaccine.

Một số phòng xét nghiệm có thể xác định được mức kháng thể dị ứng với vaccine, thông thường là kháng thể IgE đặc hiệu với vaccine và/hoặc thành phần vaccine. Test da với vaccine và/hoặc thành phần vaccine cũng được sử dụng.

Đối với những vấn đề dị ứng thường diễn ra cấp tính trong 1-2 ngày với những biểu hiện như: nổi mề đay kèm theo ngứa, sưng môi sưng mắt, khó thở, tím tái, đau bụng, nôn ói hoặc tụt huyết áp, hoặc ảnh hưởng đến tri giác. còn tình trạng của Anh/chị giống tình trạng viêm da diễn ra trùng hợp ngẫu nhiên trong đợt tiêm vaccine Covid-19.

Để được chẩn đoán xác định rõ hơn tình trạng đó Anh/chị nên đi khám để các bác sĩ hướng dẫn thêm hoặc chỉ định thêm thuốc uống nếu cần. Cảm ơn câu hỏi của Anh/chị.

Tôi bị sốc phản vệ độ 3 sau khi chích mũi 1 vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca. Do đó, tôi sẽ không được chích mũi 2 là vaccine cùng loại là Astra Zeneca. Xin hỏi tôi có thể được chích vaccine ngừa Covid-19 khác không? Cụ thể là loại nào?

Lê Thị Hoàng Yến, 61 tuổi, Q7, TP.HCM
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào anh/chị,

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì trong trường hợp của anh/chị bị sốc phản vệ sau khi tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca thì mũi 2 có thể chuyển đổi tiêm loại vaccine khác, chẳng hạn như Moderna, Pfizer. Tuy nhiên, anh/chị nên đến tiêm chủng tại Bệnh viện và cung cấp đầy đủ thông tin cũng như các phản ứng để được bác sĩ khám sàng lọc sẽ quyết định để cho được chỉ định hợp lý.

Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị. Trân trọng!

Tôi tiêm vaccine Abdala mũi 1 rồi, hiện tại đã đến hạn tiêm mũi 2 mà tôi chưa biết ở đâu có vacine Abdala để tôi đến tiêm. Mong được giúp đỡ ạ.

Huỳnh Thị Thu Thương, 20 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Vaccine phòng Covid-19 Abdala do Trung tâm kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba (CIGB) sản xuất, cho hiệu quả miễn dịch đạt 91,2% (92.28%) trong thử nghiệm giai đoạn cuối, tương đương các loại vaccine tốt nhất hiện nay, bên cạnh Pfizer-BioNTech (95%), Moderna (94,1%) và Sputnik V (91,6%) và vaccine giúp giảm đáng kể tỷ lệ chuyển nặng, tử vong cũng như khả năng lây nhiễm của người đã tiêm chủng. Abdala là loại vaccine được sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp. Đây là vaccine thứ 8 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp hôm 17/9/2021 để dùng cho chương trình tiêm chủng phòng, chống dịch Covid-19.

Lịch tiêm chủng vaccine Abdala gồm 3 liều, trong trường hợp nếu đã tiêm được 1 liều vaccine Abdala, người tiêm sẽ tiêm tiếp liều 2 có khoảng cách tối thiểu với liều 2 là 14 ngày. Trong trường hợp tiêm trễ lịch thì nên đến tiêm sớm nhất khi có thể. Bạn có thể liên hệ với cơ quan y tế đã tiêm mũi 1 để thực hiện tiêm tiếp mũi 2 theo khuyến cáo.

Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị. Trân trọng!

Bác sĩ cho tôi hỏi khi tiêm 2 mũi vaccine rồi lại bị nhiễm Covid-19 vậy xin hỏi bị như vậy có còn bị lây nhiễm Covid-19 nữa hay không? Xin cám ơn!

auvienduc2, 45 tuổi, Cần Thơ
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào anh/chị,

Theo nghiên cứu mới nhất của tổ chức y tế thế giới WHO thì người đã tiêm vaccine và đã từng mắc Covid-19 thì vẫn có thể tái nhiễm virus SARS-CoV-2. Vì vậy anh/chị vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng dịch đầy đủ để đảm bảo an toàn cho bản thân và toàn xã hội.

Cảm ơn anh/chị đã hỏi.

Mẹ em từng tham gia thử nghiệm vaccine Nanocovax, không biết đã được tiêm vaccine thật hay giả dược (đã tiêm mũi 2 vào tháng 6/2021). Tình hình dịch bệnh hiện rất phức tạp, cho em hỏi là mẹ em có nên đi tiêm vaccine phòng Covid-19 khác không ạ  và nếu được thì cần tiêm loại vaccine nào?

HTV, 29 tuổi, Long An
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Cháo anh/chị,

Mẹ anh/chị đã tham gia chương trình thử nghiệm vaccine, do đó bà nên tuân thủ theo phác đồ tiêm chủng mà chương trình đưa ra. Nếu có thắc mắc về những mũi vaccine tiếp theo của mẹ, anh/chị cần liên hệ với nhóm đề tài. Vì thứ nhất, họ sẽ cho mẹ anh/chị lời khuyên chính xác về việc có cần tiêm vaccine ngay hay không. Thứ 2, nếu mẹ anh/chị tự ý đi tiêm một loại vaccine phòng Covid-19 khác có thể sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu thử nghiệm và ảnh hưởng tới sức khoẻ của chính bản thân người tiêm vaccine.

Cảm ơn câu hỏi của anh/chị.

Con mình sinh năm 2008 đang học lớp 8, có điều trị u máu từ năm 2008 đến năm 2010 cháu đã được mổ tại bệnh viện. Từ đó đến nay cháu có khám lại và bác sĩ chẩn đoán khối u không phát triển, cháu không phải uống thuốc. Vậy cháu có tiêm được vaccine phòng Covid-19 không?

Trần Thị Bích Ngọc, 38 tuổi, Bắc Ninh
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Bé có tiền sử đã được điều trị u máu, tuy nhiên bạn không nói rõ u máu ở vị trí nào trong cơ thể để có thể xác định cơ sở tiêm chủng, hiện tại sức khỏe bé ổn định, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, con bạn không nằm trong đối tượng hoãn hay chống chỉ định tiêm chủng vaccine Covid-19 nên bạn có thể đưa con đi tiêm chủng bình thường.

Cảm ơn câu hỏi của bạn, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress