Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Bé em chuẩn bị đi tiêm các mũi đầu đời. Bé tiêm 1 buổi nhiều mũi tiêm được không? Bé có sốt cao hơn không? Em có nên giãn cách mỗi lần tiêm một mũi không?
Bùi Ái Xuân, 24 tuổi, An Khê, Gia Lai
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo lý thuyết, cơ thể trẻ có thể nhận cùng một lúc 10.000 kháng nguyên. Trên thực tế, mỗi loại vaccine chỉ chứa dưới 100 kháng nguyên. Một số khác chỉ chứa 1 kháng nguyên như vaccine ngừa viêm gan B, bạch hầu, uốn ván. Điều đó có nghĩa là với 10 loại vaccine, cơ thể trẻ chỉ cần dùng 0,1% hệ miễn dịch để đáp ứng. Vì vậy, bạn có thể an tâm, sẽ không có tình trạng trẻ tiêm nhiều loại vaccine gây ra “quá tải hệ miễn dịch”.

Bên cạnh đó, tiêm đồng thời nhiều vaccine sẽ tạo nên đáp ứng miễn dịch và phản ứng phụ tương đương như tiêm từng loại riêng lẻ. Trong tiêm chủng, việc tiêm nhiều loại vaccine cùng một buổi còn mang lại nhiều lợi ích. Trong những năm đầu đời, trẻ cần chủng ngừa rất nhiều loại vaccine. Tiêm nhiều mũi trong một buổi tiêm sẽ giúp giảm lượt di chuyển đến trung tâm tiêm ngừa, giảm số lần đau do tiêm. Phụ huynh từ đó mất ít thời gian, giảm căng thẳng hơn khi chăm sóc sau tiêm cho con. Bé được bảo vệ sớm trước các bệnh nguy hiểm.

Về việc những vaccine nào có thể phối hợp tiêm trong cùng một buổi, bạn cần đến trung tâm tiêm ngừa như VNVC để bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp với từng trẻ.

Sau tiêm, bạn lưu ý theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm tại trung tâm tiêm chủng và 24-48 tiếng tiếp theo tại nhà. Đồng thời, để trẻ được bảo vệ tối ưu bởi vaccine, bạn chú ý cho trẻ tiêm đúng liều, đủ lịch, kể cả các mũi nhắc.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Con em 3 tháng, bú mẹ hoàn toàn, sắp tới con đến lịch nhỏ vaccine Rota, 6 trong 1 cũng như phế cầu. Em nghe mấy mẹ trên hội nhóm bảo rằng nếu mẹ uống nước lá tía tô thì con sẽ giảm sốt sau tiêm, điều này đúng không ạ? Em cần chăm sóc bé đúng sau tiêm thế nào?
Phương Thanh, 30 tuổi, TP HCM
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo Đông Y, tía tô là một vị thuốc nam có tính nóng, kích thích cơ thể tiết mồ hôi, giúp hạ sốt, trừ cảm mạo. Tuy nhiên việc người mẹ uống nước tía tô để cho con bú ngừa bé bị sốt thì chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học. Do đó mẹ không nên dùng cho mục đích này vì trẻ có thể dị ứng với các dược tính của tía tô hoặc mẹ có thể nhiễm khuẩn do dùng lá không được rửa kỹ.

Việc các mẹ bỉm truyền tai nhau các bài thuốc nam, bài thuốc dân gian thường xuất phát từ các lo lắng về phản ứng sau tiêm của bé. Về các phản ứng này, bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Các triệu chứng như chỗ tiêm sưng, nóng, đỏ, đau, toàn thân trẻ sốt, mệt mỏi là các phản ứng thông thường sau tiêm. Các triệu chứng này sẽ tự khỏi sau khoảng 1-2 ngày. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, bạn có thể cho trẻ uống hạ sốt thông thường chứa các hoạt chất như paracetamol, ibuprofen với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Thông tin này, nếu bé đến tiêm tại VNVC sẽ được các bác sĩ tiêm ngừa tư vấn kỹ trước khi ra chỉ định tiêm.

Sau tiêm, bạn lưu ý luôn cho trẻ theo dõi ít nhất 30 phút đầu tại trung tâm tiêm chủng và 24-48 tiếng tiếp theo tại nhà. Để tạo cảm giác thoải mái cho con, bạn cần cho trẻ ăn đủ bữa, mặc quần áo thoáng mát, không cần kiêng tắm. Tăng cường lượng sữa mẹ cũng là một cách giúp giảm các phản ứng sau tiêm.

Với vết tiêm, bạn chú ý không nên nặn hay đắp bất kỳ loại lá, bài thuốc dân gian nào lên vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm. Không để trẻ sờ, cào vào vết tiêm cũng như nằm đè lên vết tiêm.

Vaccine là biện pháp bảo vệ bé an toàn, hiệu quả trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong những năm đầu đời, với nhiều loại vaccine cần tiêm, bạn chú ý cho con chủng ngừa đúng lịch, đủ liều, kể cả các mũi tiêm nhắc để bé được phòng bệnh tốt nhất.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Nhà tôi nuôi 2 con chó và 3 con mèo. Hàng năm tôi đều chủng ngừa cho các bé đầy đủ. Tôi chưa từng bị cắn bao giờ. Tôi nghe nói có tiêm ngừa dự phòng trước phơi nhiễm. Có thật không, tiêm bao nhiêu mũi, tiêm rồi có bị nóng trong người không? Mong bác sĩ giải đáp sớm. Xin cảm ơn!
Thanh Hà, 34 tuổi, Định Quán, Đồng Nai
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Mèo, chó chiếm hơn 96% số ổ chứa virus dại truyền bệnh sang người. Virus có trong nước bọt của chó, mèo, ngoài ra còn có thể bám ở lông, móng nên có thể lây bệnh thông qua cả vết cắn và vết cào. Con vật đã tiêm ngừa dại không đảm bảo 100% không mắc bệnh dại và không thể loại trừ khả năng nhiễm dại trong tương lai.

Dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu nên vaccine và huyết thành là cách phòng bệnh duy nhất hiện đó. Đúng như bạn nói, vaccine dại sử dụng được cả trước và sau khi có vết thương do chó mèo cắn, cào.

Phác đồ tiêm dự phòng trước khi phơi nhiễm gồm 3 mũi. Đây là cách bảo vệ sớm, giúp cơ thể sản sinh kháng thể phòng bệnh dại nếu tiếp xúc với virus dại. Ai cũng có thể tiêm ngừa dại trước khi bị cắn, cào, tức trước phơi nhiễm. Phương pháp này phù hợp cho người thường xuyên tiếp xúc với động vật, du lịch hoặc sống ở nơi khó tiếp cận cơ sở y tế khi có vết thương, trẻ em chơi với chó mèo nhưng không ý thức được nguy cơ lây nhiễm bệnh. Sau tiêm dự phòng, nếu tương lai bị cắn, cào, chỉ cần bổ sung thêm 2 mũi, giúp giảm số mũi tiêm và không cần tiêm huyết thanh dù vết thương có nặng. Còn ngược lại, nếu chưa tiêm dự phòng 3 mũi vaccine, khi bị chó mèo cắn cào, người tiêm phải tuân thủ phác đồ khắt khe 5 mũi vaccine và có thể phải tiêm huyết thanh tùy theo tình trạng vết thương.

Hiện các vaccine dại sử dụng tại Việt Nam đều là vaccine thế hệ mới, không chứa các tế bào não chuột, đã được chứng minh an toàn, hiệu quả cao, không ảnh hưởng đến chức năng thần kinh hay sự phát triển của trẻ. Do đó, bạn hoàn toàn có thể an tâm tiêm ngừa.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Xin hỏi các chuyên gia về vaccine Gardasil 9: Thứ nhất: nếu trẻ 9-14 tuổi tiêm đủ đúng lịch 2 mũi thì miễn dịch sẽ giảm không còn khả năng bảo vệ, tối đa là mấy năm? Có tài liệu minh chứng không? Thứ hai: Tại sao theo khuyến cáo tiêm vaccine Gardasil 9 cho cả người đang có nguy cơ nhiễm HPV, người đã ...
Vũ Thị Ngọc Hạnh, 38 tuổi, Quảng Ngãi
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt mở rộng giới hạn tuổi tiêm vaccine Gardasil 9 cho người từ 9-45 tuổi thay vì 9-26 tuổi như trước đây. Các chuyên gia nhận định, đây là tin vui giúp người dân có thêm biện pháp phòng sùi mào gà và các bệnh ung thư do HPV gây ra như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, ung thư vùng đầu cổ. Bác sĩ sẽ dựa trên chỉ định tiêm ngừa mới này để tư vấn các câu hỏi của bạn:

Câu 1: Sở dĩ vaccine HPV được khuyến cáo tiêm sớm cho nhóm 9-14 tuổi vì đây là cơ hội phòng bệnh cho trẻ trước khi bước vào tuổi bắt đầu quan hệ tình dục. Nhiễm HPV có xu hướng ngày càng trẻ hóa do xu hướng quan hệ tình dục ngày càng nhỏ tuổi. Theo báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam 2019, tỷ lệ học sinh THCS & THPT quan hệ tình dục lần đầu tiên trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần, từ 1,48% (năm 2013) tăng lên 3,51%. Chỉ khoảng 20,7% trẻ sử dụng biện pháp phòng ngừa an toàn trong quan hệ tình dục lần đầu tiên.

Ngoài ra, HPV còn có thể lây nhiễm qua tiếp xúc chất tiết của người bệnh bám trên dụng cụ khám phụ khoa và các vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ lót… Đơn cử như nghiên cứu tại Tanzania (vùng nguy cơ dịch tễ cao ở Đông Phi) khảo sát sự xuất hiện HPV (năm 2013) cũng cho kết quả HPV được tìm thấy ở 45,5% bé gái trước khi có quan hệ tình dục lần đầu. Do đó, tiêm ngừa sớm, trẻ sẽ được bảo vệ sớm trước nguy cơ lây nhiễm và phát triển các bệnh do HPV. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy vaccine giúp sinh miễn dịch tốt nhất ở lứa tuổi 9-14 tuổi, nồng độ kháng thể duy trì ở mức cao, không suy giảm theo thời gian sau khi tiêm ở độ tuổi này. Hiện vaccine phòng HPV Gardasil được phê duyệt đến nay gần 20 năm và các nghiên cứu cho thấy vaccine vẫn sinh miễn dịch tốt sau khoảng thời gian này, không cần tiêm nhắc.

Câu 2: Không riêng vaccine HPV, giới hạn tuổi tiêm, phác đồ tiêm của từng loại vaccine trước khi phổ biến tiêm chủng cho người dân đều phải thông qua quá trình phê duyệt nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Tiêu chuẩn phê duyệt dựa trên rất nhiều yếu tố về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, tính an toàn, hiệu quả vaccine… Do đó, mỗi phác đồ tiêm được đưa ra đều đã được các cơ quan, bộ ngành xem xét kĩ lưỡng để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất cho người dân. Vaccine Gardasil 9 hiện có nghiên cứu sinh miễn dịch tốt đến độ tuổi 45 và chưa có nghiên cứu ở độ tuổi lớn hơn nữa nên hiện vaccine chỉ được chỉ định đến 45 tuổi.

Người nhiễm HPV có khoảng 80% tự đào thải virus và 20% virus sẽ không được đào thải và phát triển sùi mào gà, các loại ung thư. Các trường hợp đã đào thải virus thì miễn dịch với HPV không bền vững, có thể tái nhiễm, do đó tiêm vaccine vẫn giúp bảo vệ trước nguy cơ tái nhiễm và nhiễm thêm các chủng HPV mới. Người tiêm phòng mắc HPV cũng gián tiếp bảo vệ bạn tình.

Câu 3: Trường hợp muốn chuyển đổi vaccine Gardasil 4 sang Gardasil 9 hoặc ngược lại, theo thông tin kê toa, bạn cần tiêm ngừa lại từ đầu phác đồ để vaccine phát huy tối đa khả năng bảo vệ các chủng HPV có trong vaccine.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Bác sĩ ơi em không nhớ mình đã bị thuỷ đậu hay đã từng tiêm phòng thuỷ đậu hồi nhỏ chưa, sắp tới em dự định có em bé thì cần tiêm vaccine thủy đậu không? Nên tiêm bao lâu trước mang thai là tốt nhất ạ?
Nguyễn Mai, 28 tuổi, Hà Nội
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Với bệnh thủy đậu, nếu người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở y tế thì không cần phải tiêm phòng, còn nếu tự chẩn đoán đã bị mắc bệnh thì cần tiêm vaccine để phòng ngừa các biến chứng có thể đe dọa đến sức khỏe.

Với trường hợp của bạn, nếu bạn không nhớ rõ lúc nhỏ đã từng mắc bệnh hay chưa thì có thể thực hiện các xét nghiệm như huyết thanh học, PCR... để kiểm tra kháng thể virus thủy đậu IgG và IgM trong máu. Kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy có sự xuất hiện của kháng thể virus thủy đậu trong cơ thể bạn hay không.

Nếu kết quả kháng thể IgG dương tính và IgM âm tính có nghĩa cơ thể bạn đang được bảo vệ trước sự tấn công của virus Varicella Zoster do bạn đã được tiêm phòng hoặc đã từng bị thủy đậu. Nếu kháng thể IgM dương tính, IgG dương tính hoặc âm tính có nghĩa bạn đã bị nhiễm virus thủy đậu và cần điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.

Nếu kháng thể IgG âm tính và IgM âm tính, bạn cần tiêm vaccine càng sớm càng tốt để chuẩn bị cho thai kỳ khỏe mạnh. Vaccine được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ trước mang thai, rất an toàn và tạo miễn dịch gần như suốt đời.

Nếu thai phụ mắc thủy đậu, virus có thể gây sảy thai, dị tật bẩm sinh như: bại não, đầu nhỏ, co gồng tay chân... hoặc thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh, tỷ lệ là 2%. Khoảng 20% mẹ bầu bị thủy đậu phát triển trạng thái viêm phổi, trong đó 40% trường hợp sẽ tử vong.

Hiện Việt Nam đang có đầy đủ 3 loại vaccine thủy đậu, hiệu quả bảo vệ đến 98% gồm Varilrix (Bỉ), Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) với phác đồ 2 mũi cách nhau tối thiểu một tháng. Phụ nữ cần hoàn thành phác đồ trước khi mang thai tốt nhất 3 tháng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa bác sĩ, em bị mèo cào nhẹ, có vết xước và chảy máu ở tay, vậy em có nguy cơ mắc bệnh dại không? Mèo cắn có nguy hiểm như chó cắn không? Em có cần tiêm vaccine phòng bệnh không?
Huỳnh Ngọc Chi, 26 tuổi, TP HCM
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Nhiều người cho rằng mèo hoặc các động vật nhỏ, được nuôi nhốt từ khi còn bé, sẽ không có nguy cơ mắc bệnh dại. Song đây là quan niệm sai lầm vì mèo cũng có nguy cơ gây bệnh dại như chó.

Ở trường hợp của bạn, mèo cào xước và gây chảy máu rất cần tiêm chủng vaccine. Nếu trước đây chưa chủng ngừa, bạn cần hoàn thành phác đồ tiêm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28. Nếu trước đó đã tiêm dự phòng trước phơi nhiễm, bạn chỉ cần tiêm thêm 2 mũi vào ngày 0 và ngày 3. Bạn nên đến cơ sở tiêm chủng để xem xét vết thương và chỉ định tiêm ngừa và huyết thanh kháng dại nếu cần.

Thống kê của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, trong đó số ca tử vong do mèo cào, cắn khoảng 10%, gần 700.000 người bị chó mèo cắn phải tiêm phòng, tổn thất kinh tế gần 1.000 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 27 ca bệnh dại tử vong và 100.00 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng.

Tại TP HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật ghi nhận ngoài chó gây thương tích 74,8% thì mèo cũng chiếm tỷ lệ 20,5%, tiếp theo là dơi, và các loài động vật khác. Đa số hơn 60% là vết thương ở mức độ III (vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở).

Dại là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, 100% tử vong khi phát bệnh dại. Bệnh thường tăng cao vào mùa nóng, nhất từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Do đó, việc chủ động dự phòng trước phơi nhiễm rất quan trọng. Người bị cắn phải tiêm vaccine sớm và đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, xử trí đúng cách vết thương do con vật gây ra.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa bác sĩ, nhiều người nói chỉ tiêm vaccine HPV khi chưa lấy chồng thì mới hiệu quả. Nếu đã lấy chồng, sinh con rồi thì không hiệu quả, không cần tiêm nữa, điều này có đúng không? Cảm ơn bác sĩ!
Phương, 25 tuổi, Đông anh hà nội
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

HPV là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh ung thư như cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, vòm họng, hậu môn... Tiêm vaccine HPV là cách hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất để phòng bệnh.

Theo hướng dẫn, vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho nam và nữ giới từ 9-26 tuổi. Phụ nữ dù đã sinh con rồi hay chưa từng sinh nở, dù quan hệ tình dục hay chưa, đều có thể tiêm được vaccine HPV và vaccine vẫn đảm bảo hiệu quả tốt. Ở các nước phát triển, vaccine phòng HPV còn được mở rộng cho các bé trai từ 9-26 tuổi và nữ giới từ 9 tuổi đến 45 tuổi. Do đó, độ tuổi tiêm chủng phòng HPV là rất rộng.

Những người đã có gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục vẫn nên tiêm vaccine HPV bởi 3 lý do. Thứ nhất, người đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc đã bị nhiễm HPV, do vậy việc tiêm vaccine vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được phụ nữ khỏi các bệnh do 9 tuýp HPV. Thứ hai, người đã quan hệ tình dục có thể mắc 1 hoặc 2 chủng, không phải mắc tất cả các chủng HPV nên việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà phụ nữ chưa mắc phải. Thứ ba, HPV rất dễ lây và tái nhiễm. Miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Tôi muốn tiêm phòng bệnh viêm gan B, hiện có những loại vaccine nào, lịch tiêm cho người lớn ra sao. Xin cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Hiểu Đan, 19 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Viêm gan B có tỷ lệ lây nhiễm cao ở Việt Nam, khoảng 10-20% dân số. Bệnh nhân viêm gan B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường. Việc điều trị cũng rất tốn kém. Do đó, việc tiêm chủng là cách dự phòng hiệu quả.

Các loại vaccine phòng bệnh viêm gan B hiệu quả đang được sử dụng tại Việt Nam nói chung và VNVC là Engerix B (Bỉ), Euvax B (Hàn Quốc) và Gene Hbvax (Việt Nam). Phác đồ tiêm 3 mũi trong 6 tháng.

Đặc biệt, vaccine Twinrix (Bỉ) là vaccine duy nhất phòng được cả 2 bệnh viêm gan A và B chỉ trong 1 mũi tiêm, miễn dịch bảo vệ vượt trội và lâu dài. Phác đồ tiêm Twinrix là 3 mũi trong 6 tháng. Bạn có thể lựa chọn 1 trong 4 loại trên để chủng ngừa.

Cần lưu ý, người đã bị mắc bệnh viêm gan B rồi thì tiêm vaccine không có giá trị nữa vì vậy, đối với người lớn chưa bao giờ tiêm ngừa vaccine viêm gan B được khuyến cáo nên xét nghiệm viêm gan B trước khi tiêm chủng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Tại sao người lớn cần vaccine, tôi cứ nghĩ vaccine chỉ quan trọng với trẻ? Vậy người lớn cần tiêm những loại vaccine nào, người không rõ lịch sử tiêm chủng thì có lịch tiêm thế nào?
Superadmin01, 23 tuổi, TP HCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Nhiều người cho rằng việc tiêm chủng vaccine chỉ dành cho trẻ em, các bậc phụ huynh luôn có ý thức chủ động tiêm ngừa vaccine cho trẻ nhỏ nhưng lại lơ là với chính sức khỏe của mình. Thực tế thì bệnh truyền nhiễm không chừa một ai, đa số người lớn thường hay quên hoặc bỏ sót lịch tiêm nhắc theo khuyến cáo do sự quan tâm chưa đúng mức hoặc thiếu thông tin về tầm quan trọng của vaccine.

Người lớn có hệ miễn dịch suy giảm, không đủ sức chiến đấu với các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể. Người càng lớn tuổi phổi càng kém đàn hồi, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém nếu mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh hô hấp như cúm, viêm phổi do phế cầu, ho gà - bạch hầu - uốn ván,... sẽ diễn tiến nghiêm trọng, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong.

Hiện VNVC đang có hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm. Trong đó người lớn cần tiêm ngừa hơn 15 loại vaccine khác nhau, ưu tiên các vaccine như: cúm mùa, phế cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B,... để phòng bệnh cho chính mình, giảm rủi ro bệnh tật, tiết kiệm chi phí và bảo vệ cho tất cả thành viên khác trong nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Thưa bác sĩ, tôi tiêm vaccine ngừa uốn ván có được sử dụng thuốc kháng viêm, ví dụ như steroid hay không? Cảm ơn bác sĩ.
Lê Khanh, 62 tuổi, Đăk Lăk
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Sau tiêm vaccine uốn ván, bạn vẫn uống được thuốc điều trị bệnh mạn tính bình thường. Việc uống kháng viêm không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với các loại vaccine. Trong trường hợp mắc các bệnh mạn tính, bạn không được bỏ thuốc và có thể uống được các thuốc giảm đau chống viêm. Với các thuốc không dùng thường xuyên và có thể trì hoãn, bạn nên sử dụng sau 24 giờ, tốt nhất là sau 72 giờ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress