Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)

Bé tiêm vaccine ngừa lao không nổi nốt đỏ, không sẹo. Vậy bé có cần kiểm tra lại không ạ? Hiện bé đã được 1 tháng 8 ngày, đã tiêm vaccine cách đây 3 ngày ạ.

Lê Thị Phúc, 27 tuổi, An Giang
BS Đoàn Thúy Mai

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị,

Theo như Anh/Chị kể, cháu nhà mình mới tiêm vaccine phòng lao cách đây 3 ngày. Thông thường thì sau khi tiêm vaccine lao khoảng 2 tuần, tại vị trí tiêm lao sẽ mưng mủ và để lại sẹo nhỏ. Trong một số trường hợp khác, khoảng 10% tiêm vaccine lao không để lại sẹo lao nhưng không có nghĩa là không có miễn dịch với lao. Nên với trường hợp này thì Anh/Chị tiếp tục theo dõi thêm tại nhà và đợi khoảng 2 tháng tuổi thì cho con đi tiêm phòng các vaccine khác theo lịch tiêm chủng.


Tôi năm nay 26 tuổi, đang cho em bé 18 tháng bú mẹ. Vậy tôi có tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung được không? Cám ơn bác sĩ ạ!

Lệ Sang, 26 tuổi, Q.12, TP.HCM
BS Lê Thị Gấm

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào chị,

Nếu chị đang cho con bú thì vẫn có thể tiêm phòng vaccine ngừa ung thư cổ tử cung, chị sẽ tiêm 3 mũi theo phác đồ chuẩn là 0 - 2 - 6. Một số quốc gia trên thế giới như Mỹ đã triển khai tiêm vaccine ngừa HPV cho phụ nữ trên 26 tuổi cho tới 45 tuổi. Phụ nữ đã quá 26 tuổi vẫn có thể tiêm vaccine phòng HPV nhưng hiệu quả không đạt tối ưu như độ tuổi từ 9-26 tuổi.

Hiện tại, Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có vaccine Gardasil (Mỹ) phòng ngừa các bệnh gây ra bởi virus HPV như ung thư cổ tử cung, sùi mào gà, mụn cóc sinh dục, ung thư âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản... do 4 tuýp virus HPV 6, 11, 16 và 18 gây ra.

Cảm ơn câu hỏi của chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

Trước và sau khi tiêm vaccine Covid-19 uống cà phê có sao không?

longnguyen0807hp, 13 tuổi
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Do caffeine có trong cà phê, trà, nước tăng lực… nên khi sử dụng những đồ uống này có thể làm tăng nhịp tim. Điều này xảy ra 15 phút sau khi uống cà phê và có thể kéo dài đến 6 giờ, chỉ với liều dùng khoảng 250mg đã có thể gây tác dụng tiêu cực đến hầu hết người sử dụng.

Vì vậy, trong lúc chờ tiêm chỉ nên uống nước lọc và ăn nhẹ. Trước tiêm nếu uống cà phê có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng. Nếu sau tiêm sức khỏe bình thường, không có các phản ứng phụ hay các triệu chứng tăng nhịp tim thì có thể uống cà phê.

Tốt nhất nên tạm dừng uống cà phê, trà ít nhất 1 ngày trước tiêm và 3 ngày sau tiêm vaccine Covid-19.


Phụ nữ có thai 3 tháng tuổi tiêm vaccine Moderna có được không ạ?

Nguyễn Văn Tuấn, 31 tuổi, Nghệ An
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ nữ đang mang thai từ 13 tuần trở lên thuộc nhóm được phép tiêm nhưng phải thận trọng và khám sàng lọc kỹ lưỡng. Thai phụ có thể tiêm vaccine Moderna hoặc Pfizer. Lưu ý không áp dụng nhóm đối tượng này với vaccine Sputnik V.

Tại điểm tiêm chủng, nhân viên y tế phải hỏi rõ tuổi thai, lợi ích và nguy cơ của việc tiêm vaccine Covid-19 để tư vấn cho thai phụ. Nếu đồng ý, thai phụ cần ký cam kết tiêm, sau đó chuyển đến cơ sở có cấp cứu sản khoa để tiêm và theo dõi.

Bé nhà em lúc nhỏ có tiêm viêm gan B và vaccine phòng Rotavirus. Sau khi về, cháu bị sốc phản vệ phải vào viện 1 tuần mới khỏi. Bác sĩ cho em hỏi cháu có tiêm vacine Covid-19 được không ạ?

Nguyễn Đan Linh, 12 tuổi, Phú Thọ
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người đã từng bị phản ứng phản vệ với loại vaccine Covid-19 hay có phản vệ với bất cứ các thành phần nào có trong vaccine Covid-19. Do vậy, trong trường hợp của bé nhà Anh/Chị, vẫn có thể tiêm chủng vaccine Covid-19 bình thường.

Tuy nhiên, trường hợp dị ứng của bé thuộc nhóm cẩn trọng khi tiêm chủng vaccine Covid-19, cần tiêm chủng trong bệnh viện hoặc cơ sở có đủ năng lực cấp cứu ban đầu. Khi tiêm, cần cung cấp cho bác sĩ các thông tin và mức độ dị ứng để bác sĩ có thể tư vấn và chỉ định tiêm chủng cụ thể. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khám và đánh giá các tiêu chuẩn khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước khi chỉ định tiêm chủng. Sau khi tiêm, cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về theo dõi phản ứng sau tiêm đặc biệt là phát hiện sớm các dấu hiệu của phản vệ và huyết khối để xử trí kịp thời.


Tôi được bác sĩ chuẩn đoán bệnh: đau dây thần kinh sau Zona ở mắt trái, sau khi điều trị thuốc Acyclovir 800mg - 35 viên, Cefdinir 300mg - 14 viên, Gramadol Capsules - 14 viên. Nhưng bệnh trong vòng 1 năm qua vẫn tái phát 4 lần, nhờ bác sĩ tư vấn tôi có nó nên tiêm ngừa vaccine Thủy đậu để phòng Zona ...

Đoàn Khánh Duy Quốc, 45 tuổi, Đồng Tháp
BS Hoa Tuấn Ngọc

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị,

Bệnh Zona thần kinh (giời leo) và Thủy đậu cùng do virus Varicella Zoster (VZV) thuộc họ Herpesviridae gây ra. Tuy nhiên cơ chế gây bệnh có sự khác nhau. Với những người chưa bị bệnh Thủy đậu khi bị phơi nhiễm virus sẽ phát triển thành bệnh Thủy đậu và sau đó khỏi thì sẽ có kháng thể đối với bệnh thủy đậu.

Còn những người mắc bệnh Zona thần kinh là những người đã từng nhiễm virus thủy đậu lúc nhỏ, khi hết bệnh, virus này vẫn “ngủ lại” suốt đời trong các tế bào, hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt. Sau một thời gian, khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch bị suy yếu, tinh thần chấn động, cơ thể suy nhược, mắc bệnh mãn tính... virus VZV sẽ có cơ hội tái phát thành bệnh zona... Khoảng 15% người mắc thủy đậu sẽ bị giời leo (hay còn gọi Zona thần kinh) sau này.

Zona thần kinh có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine thủy đậu, ngừa virus Varicella Zoster. Hiện nay VNVC đang có đầy đủ 3 loại vaccine phòng thủy đậu, có hiệu quả phòng bệnh thủy đậu lên đến 97%, chặn đứng nguy cơ mắc bệnh giời leo:

- Vaccine Varivax (Mỹ), Varicella (Hàn Quốc): được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn.
- Vaccine Varilrix (Bỉ): được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi.


Tôi đã tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca vào ngày 25/10/2021, tại bệnh viện. Xin hỏi nếu muốn tiêm mũi 3 (tăng cường) thì thủ tục thế nào? Loại vaccine nào thì phù hợp? Thời gian tiêm mũi 3 khi nào thì thích hợp?
Xin cám ơn và kính chào!

Võ Nhật Thăng, 80 tuổi, Hà Nội
Bác sĩ Phạm Thị Ánh

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện tại vẫn chưa có thông báo chính thức của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 tăng cường. Tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch -19 của ngành y tế TP.HCM diễn ra chiều 30/10, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong tháng 11 và 12 tới đây, ngành y tế sẽ triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 cho một số trường hợp có nguy cơ cao và lực lượng tuyến đầu. Tuy nhiên cũng còn phải phụ thuộc vào việc cung ứng vaccine về Việt Nam.

Vì vậy, bạn chờ thông báo mới của Bộ Y tế để có những thông tin chính xác nhất.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!

Chào bác sĩ,
Thưa bác bé nhà em 13 tuổi đã được chích vaccine Pfizer mũi 1 và sắp chích mũi 2. Em có đọc thông tin nguy cơ biến chứng của bé trai sau chích mũi 2 có tỷ lệ bị viêm cơ tim cao hơn. Vậy em có thể cho bé uống thuốc chống đông máu hay loại thực phẩm chức năng ...

Trần Thị Phương Uyên, 42 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM
Bác sĩ Lê Minh Thọ

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện nay đã có nhiều báo cáo về triệu chứng viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer, Moderna và người ta cũng thấy rằng nguy cơ sau khi tiêm mũi 2 là cao hơn mũi 1 do miễn dịch của cơ thể đã ghi nhớ kháng nguyên virus từ mũi tiêm đầu tiên.

Tuy nhiên trước khi tiêm chủng, bạn không cần cho bé uống các thuốc chống đông máu hay các thực phẩm chức năng để phòng ngừa các triệu chứng này, đây là việc làm không cần thiết. Thực tế hiện nay cũng chưa có các biện pháp phòng chống viêm cơ tim hữu hiệu.

Triệu chứng lâm sàng viêm cơ tim cấp xuất hiện thường 2-4 ngày sau tiêm vaccine, dù có thể gặp sớm (12h sau tiêm) hơn hoặc muộn hơn. Triệu chứng thường là đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực; Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực (nhịp tim không đều, bỏ nhịp, nhịp nhanh hoặc nhịp tim quá chậm); Ngất; Khó thở; vã mồ hôi...Đau khi thở xuất hiện sau 1 đến 5 ngày (trung bình là 2 ngày) - ngay khi phát hiện triệu chứng đầu tiên nên đến bệnh viện gần nhất thăm khám để loại trừ viêm cơ tim/viêm màng tim cấp.

Nếu chẩn đoán viêm cơ tim cấp, cần phải theo dõi sát tại các cơ sở có thể hồi sức cấp cứu tim mạch. Trường hợp chuyển nặng, phải chuyển đến bệnh viện chuyên khoa tim mạch.
Những bệnh nhân viêm cơ tim sau tiêm vaccine nên được theo dõi trong ít nhất 12 tháng nếu đã được chẩn đoán xác định.

Tốt nhất bạn nên theo dõi sát sao bé sau khi tiêm chủng trong vòng 1 tuần, nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ đến viêm cơ tim như đau ngực, khó thở, hồi hộp trống ngực... cần cho bé đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị để được chăm sóc, điều trị kịp thời.

Cảm ơn câu hỏi của bạn, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

Cho hỏi nếu như cho trẻ từ 15 tuổi tiêm vaccine viêm phổi rồi tiêm vaccine Covid-19 luôn thì được không ạ? 

Phan Thị Thanh Thảo, 15 tuổi, Tỉnh Bến Tre
Bác sĩ Trương Huyền Trang

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/chị.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế thì việc tiêm đồng thời vaccine Covid 19 và các vaccine thông thường khác không cần phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu và có thể tiêm cùng ngày với nhau. Nên trong trường hợp này, trẻ vừa tiêm vaccine phòng bệnh viêm phổi vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19 bình thường mà không cần đảm bảo khoảng cách giữa hai loại vaccine này.


Tôi đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 của hãng Sinopharm. Mũi 1 ngày 02/10/2021, mũi 2 ngày 01/11/2021. Nay tôi muốn thay đổi tiêm lại 1 trong 2 loại vaccine của hãng Pfizer hoặc AstraZeneca. Xin hỏi quý Bác Sĩ, như vây được không? Nếu được thì tiêm mũi 1 vào thời điểm nào? Xin chân thành cám ơn quý Bác sĩ. Mong nhận ...

Trần Đức Thiêm, 62 tuổi, Kiên Giang
Bác sĩ Đoàn Thị Khánh Châm

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/chị.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế thì việc tiêm đồng thời vaccine Covid 19 và các vaccine thông thường khác không cần phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu và có thể tiêm cùng ngày với nhau. Nên trong trường hợp này, trẻ vừa tiêm vaccine phòng bệnh viêm phổi vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19 bình thường mà không cần đảm bảo khoảng cách giữa hai loại vaccine này.

Cảm ơn câu hỏi của anh/chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, anh/chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress