Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)

Thưa bác sĩ, mẹ của em 63 tuổi có bệnh thiếu tiểu cầu, máu không đông. Hiện tại sức khỏe, ăn uống, sinh hoạt bình thường và cũng phải rất cẩn thận. Việc tiêm vacxin có ảnh hưởng đến bệnh hay không và cần lưu ý những gì?

Bui Thi Hoat, 58 tuổi, Thái Nguyên
ThS Nguyễn Diệu Thúy - Trợ lý Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị, Với tình trạng bệnh của mẹ Anh/Chị, theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì đây là những trường hợp cần phải thận trọng. Với trường hợp như vậy thì tư vấn của bác sĩ khám lâm sàng. Ví dụ như trong trường hợp mà bác sĩ lâm sàng quyết định là tình trạng bệnh lý của mẹ Anh/Chị ổn định, thì chúng tôi có thể tiêm chủng tại VNVC. Còn trong tình trạng bệnh lý không ổn định thì nên tiêm chủng tại bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá cụ thể về tình trạng bệnh lý và đưa ra quyết định về tiêm chủng. Còn trong những trường hợp có người bị giảm xuất huyết, hiện nay chúng ta đang dùng mũi kim 25 hoặc 23 thì sẽ có kỹ thuật tiêm để tránh trường hợp chảy máu là giữ vết tiêm lâu hơn nhằm tránh tình trạng xuất huyết. Trường hợp mẹ Anh/Chị đến và cung cấp đầy đủ thông tin thì chúng tôi sẽ tư vấn cặn kẽ. Và trong những trường hợp tiêm tại VNVC thì điều dưỡng của chúng tôi sẽ thực hiện các kỹ thuật cần thiết để đảm bảo tiêm chủng an toàn nhất cho khách hàng. Chúc Anh/Chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Chào bác sĩ, em nghe mọi người truyền tai nhau trước và sau khi tiêm vaccine không được ăn trứng. Đúng hay sai? Xin bác sĩ cho ý kiến về vấn đề này.

Binh Nguyen, 23 tuổi, Hà Nội
ThS Nguyễn Diệu Thúy - Trợ lý Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị, Thứ nhất, đây là quan niệm hoàn toàn sai. Việc ăn trứng không ảnh hưởng gì đến việc tiêm vaccine, vì trong vaccine Covid-19 không có bất cứ thành phần gì liên quan đến trứng. Chỉ có vaccine cúm mới có mối liên hệ với trứng, vì có thành phần được làm từ phôi gà. Mọi người cứ nghĩ virus Covid-19 này giống với chủng virus cảm cúm, nhưng thực tế, đây là hai loại virus hoàn toàn khác nhau. Kết luận, trứng không có bất cứ mối liên hệ nào với vaccine phòng Covid-19. Chúng ta có thể ăn trứng bình thường, không cần kiêng cử khi có kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19. Chúc Anh/Chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi có ba cháu, tiền sử tiêm chủng đầy đủ theo chương trình Tiêm chủng của VNVC. Nay các cháu 5 tuổi, 3 tuổi và 3 tháng tuổi. Thời gian gần đây, tình hình bệnh sởi xuất hiện dịch ở TP HCM. Xin hỏi, có nên tiêm bổ sung vaccine theo chiến dịch cho các cháu không, nếu tiêm thì tiêm loại nào, thưa bác ...
Truong Hong Quan, 39 tuổi, TP.HCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Bệnh sởi đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Để phòng bệnh, phụ huynh cần cho trẻ tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa sởi, cách ly ca nghi bệnh, tránh tiếp xúc đông người, giữ vệ sinh cá nhân và nâng cao thể trạng. Tiêm ít nhất hai mũi vaccine có thành phần phòng sởi là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, giúp ngăn sởi và biến chứng lên đến 98%. Khi có dịch, người dân vẫn có thể tiêm bổ sung một mũi cách mũi trước đó tối thiểu 1 tháng để tăng cường kháng thể bảo vệ.

Hiện Việt Nam có 4 loại vaccine sởi gồm vaccine sởi đơn (MVVAC) và sởi - rubella (MRVAC) do công ty Polyvac (Việt Nam) sản xuất); sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ) do hãng dược GSK sản xuất và sởi - quai bị - rubella MMRII do hãng dược MSD (Mỹ) sản xuất. Trong đó, loại phối hợp ngừa sởi - quai bị - rubella chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ. Hiện vaccine được triển khai trong chiến dịch tiêm vaccine sởi là sởi - rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất phòng ngừa hai bệnh sởi và rubella.

Trường hợp con bạn nếu đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine có thành phần phòng sởi thì có thể yên tâm. Trường hợp muốn bổ sung thêm vaccine sởi, bạn nên tư vấn thêm từ cơ quan y tế địa phương, nơi tổ chức chiến dịch hoặc đến trực tiếp các trung tâm tiêm chủng VNVC hoặc gọi Tổng đài của VNVC theo số 028 7102 6595 để được tư vấn cụ thể.

Bên cạnh sởi, hiện có nhiều vaccine thế hệ mới và các loại vaccine cần tiêm nhắc khác như: vaccine cúm cần tiêm nhắc hằng năm, bạch hầu - ho gà - uốn ván cần tiêm nhắc khi trẻ 4-6 tuổi, 9-15 tuổi và tiêm nhắc mỗi 10 năm/lần; vaccine não mô cầu B thế hệ mới...

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Làm cách nào để tiếp cận vaccine ung thư phổi, muốn phòng ung thư phổi cần thực hiện gì?
Bùi Dương Phương Hải, 36 tuổi, Lâm Đồng
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư toàn cầu, chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất ở cả nam và nữ giới.

Vaccine ung thư được thế giới quan tâm, phát triển trong 10 năm trở lại đây. Có nhiều dự án về vaccine đang thử nghiệm, ví dụ mũi ngừa ung thư phổi LungVax của Anh, BNT122 điều trị ung thư phổi. Tháng 7, Belarus phê duyệt vaccine ung thư phổi của Cuba. Hiện Việt Nam chưa có vaccine ung thư phổi.

Để bảo vệ phổi, đồng thời phòng bệnh hô hấp tốt, mỗi người cần thực hiện nghiêm các biện pháp như không tập hút thuốc lá, ngưng hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc; giữ vệ sinh sạch sẽ không gian sống như nhà cửa, chăn gối, đồ chơi; giữ ấm; vệ sinh răng miệng, mũi họng đúng cách; đảm bảo chế độ dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ các nhóm chất (tinh bột, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất); thực hiện ăn chín, uống sôi...

Tiêm chủng là một trong những cách giúp bảo vệ và tạo miễn dịch cho cơ thể đồng thời giúp lá phổi khỏe mạnh. Trong đó, vaccine ngừa phế cầu khuẩn và cúm giúp bảo vệ phổi hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa... do các chủng vi khuẩn phế cầu và virus cúm có trong vaccine gây ra. Ngoài ra, trước tình hình các bệnh như bạch hầu, ho gà đang gây nhiều ca mắc không rõ nguồn lây trong cộng đồng, bạn nên tiêm nhắc các loại vaccine này để tăng cường bảo vệ hệ hô hấp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi năm nay 54 tuổi có thể tiêm được những loại vaccine nào để bảo vệ sức khỏe thưa bác sĩ?
Trần Văn Kiều, 54 tuổi, TP.HCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tuổi càng cao sẽ kéo theo sự lão hoá của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu. Từ đó, các mầm bệnh truyền nhiễm dễ tấn công và gây bệnh nặng ở người cao tuổi. Điển hình như cúm, phế cầu gây ra các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết đều có tỷ lệ tử vong cao ở người lớn tuổi.

Người lớn tuổi chủ động tiêm ngừa vừa là cách bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bệnh tật, biến chứng nặng, vừa là cách tránh mắc bệnh và lây nhiễm cho các đối tượng nguy cơ khác trong gia đình như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền...

Hiện Việt Nam lưu hành hơn 50 loại vaccine phòng hơn 40 bệnh truyền nhiễm. Trong đó, người lớn cần tiêm ngừa gần 15 loại vaccine phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt các vaccine như: cúm mùa, phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B... Mỗi loại vaccine sẽ có số mũi tiêm và khoảng cách giữa các mũi khác nhau. Một số vaccine sẽ giới hạn độ tuổi, ví dụ các vaccine phòng não mô cầu tiêm tối đa cho người đến 55 tuổi.

Do đó, trường hợp 60 tuổi chưa tiêm vaccine cần đến trung tâm tiêm chủng để bác sĩ khai thác lịch sử tiêm ngừa, bệnh sử và đưa ra chỉ định tiêm các loại vaccine phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Chào bác sĩ. Năm nay tính theo tuổi dương thì 46, nếu xét đúng thì tôi còn thiếu 7 tháng mới được 46 tuổi. Hồi tháng 5, tôi đã tiêm mũi 1 vaccine HPV. Sau đó hẹn mũi 2 vào tháng 7 vừa qua nhưng tôi chưa tiêm. Vậy cho tôi sắp 46 tuổi rồi, có tiếp tục tiêm mũi thứ 2 và mũi 3 ...
Đinh Văn Công, 46 tuổi, TP Thủ Đức
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện nay, vaccine Gardasil 9 (Mỹ) được chỉ định tiêm cho người từ 9-45 tuổi, nghĩa là trước sinh nhật thứ 46 tuổi vẫn được tiêm. Ở độ tuổi này, vắc xin cần hoàn thành 3 mũi mới đảm bảo sinh miễn dịch phòng bệnh tốt nhất. Bạn nên tiếp tục hoàn thành 2 mũi vaccine còn lại càng sớm càng tốt, không nên chần chừ. Việc bạn quá tuổi khi tiêm mũi 2, mũi 3 không ảnh hưởng đến việc sinh miễn dịch của vaccine.

HPV hiện là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) và các loại ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, ung thư dương vật, hậu môn, ung thư vùng đầu cổ. Vaccine có hiệu quả phòng các chủng nguy cơ cao gây các bệnh kể trên, có hiệu lực bảo vệ cao, trên 90%.

Vaccine HPV cũng đã được phê duyệt tiêm chủng cho người đến 45 tuổi tại hơn 100 quốc gia, trong đó có Mỹ, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc. Các nghiên cứu cũng cho thấy sau khi tiêm chủng, người 27-45 tuổi tiêm vaccine HPV có đáp ứng sinh miễn dịch không thua kém so với người 16-26 tuổi. Nồng độ miễn dịch cũng được duy trì ở mức cao. Hiệu quả bảo vệ được nhìn thấy lên đến 20 năm.

Bên cạnh đó, để phòng các bệnh do HPV, bạn cũng cần chú ý áp dụng thêm các biện pháp khác như giữ vệ sinh cá nhân, quan hệ tình dục an toàn, nữ giới cần kết hợp thêm thăm khám phụ khoa, xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi từng tiêm vaccine HPV nhiều năm trước. Vậy giờ, khi chuẩn bị bước sang tuổi 40, tôi có cần phải tiêm nhắc lại vaccine HPV không? Ngoài vaccine HPV, phụ nữ trên 40 được khuyến cáo nên tiêm những loại vaccine nào nữa? Cảm ơn bác sĩ tư vấn!
Vũ Thị Nga, 38 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Hiện nay, vaccine HPV được chỉ định tiêm cho người từ 9-45 tuổi, tùy độ tuổi bắt đầu mà có độ tuổi khác nhau. Trong đó, người từ 27-45 tuổi cần tuân thủ phác đồ 3 mũi vào tháng 0-2-6 kể từ mũi đầu và không cần tiêm nhắc. Các nghiên cứu cho thấy vaccine giúp sinh miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể duy trì ở mức cao và hiệu quả kéo dài.

Trường hợp của bạn đã tiêm đủ 3 mũi vaccine từ nhiều năm trước, tức là loại vaccine 4 chủng. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ phát triển vaccine đã rất phát triển, Việt Nam đã có thêm loại vaccine thế hệ mới là Gardasil 9. Người đã tiêm vaccine Gardasil có thể tiêm bổ sung Gardasil 9 để phòng thêm 5 chủng HPV 31, 33, 45, 52, 58 (ngoài chủng 6, 11, 16, 18 đã có ở vaccine Gardasil). Các chủng này gây ra ung thư cổ tử cung, tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, dương vật, ung thư hầu họng và các bệnh ung thư vùng đầu, cổ. Do đó, để phòng bệnh toàn diện khỏi các tuýp HPV nguy cơ cao, bạn nên tiêm thêm loại Gardasil 9 với phác đồ 3 mũi trong 6 tháng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi đã tiêm vaccine viêm gan B hai lần, lần 1 đủ ba mũi nhưng không đúng thời gian quy định, sau khi khám sức khoẻ kết quả xét nghiệm là không có kháng thể. Do vậy tôi đã tiêm lại đủ 3 mũi lần hai theo đúng quy định khuyến cáo của loại vaccine này nhưng kết quả xét nghiệm vẫn như lần trước. ...
Hà Yến, 52 tuổi, Tức Mạc, Trần Hưng Đạo, Hà Nội
Phụ nữ mang thai có thể tiêm vaccine ho gà ở tháng thứ mấy của thai kỳ ạ. Nếu mẹ đã tiêm vaccine rồi thì em bé có thật cần thiết tiêm vaccine không?
Huỳnh Phương Thanh, 30 tuổi, Hà Giang
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo thống kê, lứa tuổi mắc ho gà cao nhất được ghi nhận ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi do chưa được tiêm đầy đủ vaccine. Vì vậy, để bảo vệ trẻ trước khi đến tuổi tiêm chủng vaccine phòng ho gà, thông thường là 2 tháng, người mẹ cần tiêm vaccine phòng ho gà trong thai kỳ để truyền kháng thể cho con. Thời điểm tiêm chủng tốt nhất là trong ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối của thai kỳ. Hiện Việt Nam có vaccine 3 trong 1 phòng cùng lúc 3 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván được chỉ định trong thai kỳ. Theo các nghiên cứu, vaccine có khả năng bảo vệ trẻ cao, lên đến hơn 90%.

Bạn cần lưu ý kháng thể từ mẹ truyền sang cho bé là kháng thể thụ động sẽ giảm dần theo thời gian và không còn đủ khả năng bảo vệ trẻ và trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh nếu tiếp xúc mầm bệnh. Do đó trẻ cần được tiêm vaccine có thành phần ho gà để có kháng thể phòng bệnh chủ động. Trẻ từ hai tháng có thể tiêm vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 có thành phần phòng ho gà. Mũi tiêm này giúp phòng 4 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib; thêm bại liệt, viêm gan B tùy loại vaccine. Phác đồ tiêm gồm bốn mũi khi trẻ 2, 3, 4 và 16-18 tháng tuổi. Vaccine cần tiêm đủ liều thì mới sinh miễn dịch cao nhất. Bạn cần lưu ý về lịch tiêm để phòng bệnh cho mẹ và bé tốt nhất.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Chào các bác sĩ, Con tôi bị mèo nhà nuôi cắn chảy máu ở ngón tay, tôi có tra cứu trên các trang y tế nói chưa cần tiêm và theo dõi con mèo trong vòng 15 ngày, nếu mèo bình thường thì không cần tiêm ngừa. Thông tin này không biết có đúng không? Tôi rất băn khoăn vì sợ tiêm cho bé sẽ ...
khiemntspk, 33 tuổi, Long An
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Nhiều người cho rằng mèo nhà hoặc các động vật nhỏ, được nuôi nhốt từ khi còn bé sẽ không có nguy cơ mắc bệnh dại tuy nhiên quan niệm này là sai lầm vì thực tế đa số các trường hợp mắc bệnh dại đều do các con vật nuôi trong gia đình. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh duy nhất là vaccine. 100% người khởi phát bệnh dại sẽ tử vong.

Mèo thường có thói quen liếm móng vuốt, do đó nguy cơ lây truyền bệnh dại rất cao thông qua vết cào. Thời gian ủ bệnh dại cũng khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng, vị trí vết cào cắn. Y văn từng ghi nhận một số trường hợp ủ bệnh dại dưới 10 ngày. Mặt khác, vaccine cần thời gian để sinh kháng thể bảo vệ. Nếu gia đình bạn chờ theo dõi con vật trong vòng 15 ngày mới đi tiêm vaccine thì có thể bỏ lỡ thời gian điều trị dự phòng bằng vaccine.

Cách xử lý đúng khi bị chó, mèo cào cắn là vệ sinh vết cào, cắn đúng cách và tiêm vaccine dại càng sớm càng tốt. Tùy theo tình trạng và việc theo dõi được vật nuôi hay không, bác sĩ có thể quyết định mũi tiêm ngừa dại phù hợp cho con bạn. Nếu con vật không mắc bệnh dại, vaccine dại vẫn có tác dụng dự phòng, phòng cho lần sau bé bị cắn, cào. Ví dụ nếu đã tiêm 3 mũi vaccine, lần bị cắn, cào sau bé chỉ cần tiêm thêm 2 mũi vaccine và không cần dùng huyết thanh kháng dại.

Ngày nay, công nghệ sản xuất vaccine dại thế hệ mới đã được kiểm định và khẳng định tính an toàn, đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều. Vaccine phòng dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người tiêm. Do đó, bạn có thể hoàn toàn yên tâm.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress